Những nét đặc sắc trong phong tục tập quán của dân tộc Mường
Phong tục tập quán của dân tộc Mường luôn được nhiều người quan tâm bởi những phong tục đặc sắc, ấn tượng, phản ánh rõ nét bản sắc văn hóa và tinh thần dân tộc. Điều này cũng góp phần vào sự phát triển đa dạng trong văn hóa Việt Nam.
Lịch sử và nguồn gốc của người dân tộc Mường
Người Mường là tộc người đông dân thứ 4 tại Việt Nam, chỉ sau người Kinh, Tày và Thái. Họ chủ yếu sinh sống tập trung tại các vùng núi thấp và trung du của miền Bắc, đặc biệt là ở các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Phú Thọ và Sơn La.
Bạn đang xem: Những nét đặc sắc trong phong tục tập quán của dân tộc Mường
Người Mường thuộc nhóm ngôn ngữ Việt-Mường, có quan hệ gần gũi với người Việt nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa độc đáo của mình.
Một trong những hoạt động kinh tế truyền thống của người Mường là nghề nông trồng lúa nước. Người Mường làm ruộng từ lâu đời. Lúa nước là cây lương thực chủ yếu của họ.
Nghề thủ công truyền thống tiêu biểu của người Mường là dệt vải, đan lát, ươm tơ. Người Mường đặc biệt khéo tay trong việc đan lát các vật dụng dùng trong gia đình từ nguyên liệu là tre, nứa và giang, mây như đan vỏ dao dùng để đi rừng, rổ, rá, thúng, nia, mâm, ớp, giỏ…
Nét độc đáo trong văn hóa ở nhà sàn của người Mường
Người Mường sống trong những ngôi nhà sàn truyền thống, địa bàn cư trú tập trung chủ yếu ở những dải đồng bằng thung lũng hẹp, doi đất ven sông, ngòi, dưới chân các dãy núi hay trên các đồi gò thấp.
Làng bản Mường sống tập trung thành từng chòm, từng xóm, ẩn khá kín dưới màu xanh của cây cối trồng quanh nhà.
Các bản mường thường có khoảng từ 20 đến 30 nóc nhà và nếu bản to thì có thể nhiều hơn nữa. Còn Mường là địa phận của một vùng đất rộng bằng vài xã, vài huyện, thậm chí bằng một tỉnh.
Nhà sàn là loại hình phổ biến của nhiều dân tộc ở Đông Nam Á. Tại Việt Nam, cư trú trên nhà sàn là truyền thống của nhiều dân tộc như Giarai, Êđê, Tày, 36 Thái, Mường. Người Mường không coi trọng nhiều đến dựng nhà theo hướng nào mà chỉ cốt thuận lợi cho đi lại cho lao động sản xuất.
Nhà sàn của người Mường là kiểu kiến trúc cổ truyền. Nhà sàn được làm theo truyền thuyết dân gian, gọi là nhà rùa: 4 mái, 3 tầng, mô phỏng theo quan niệm dân gian ba tầng, bốn thế giới của người Mường.
Nhà sàn được chia thành nhiều gian, thường có từ ba đến năm gian. Những gia đình đông con thì nhà có đến khoảng từ bảy đến mười hai gian. Nhà dù ít hay nhiều gian đều có một sàn bên trái để bắc cầu thang và máng nước sinh hoạt.
Tại gian nhà linh thiêng này có một cửa sổ làm sát đến sàn nhà gọi là cửa sổ “voóng” linh thiêng, không ai được đưa vật gì hay chui qua. Cửa sổ voóng chỉ dành để đưa quan tài ra ngoài khi gia chủ có tang ma
Trang phục của người dân tộc Mường
Ngoài các yếu tố về văn hóa, trang phục truyền thống cũng là yếu tố quan trọng tạo nên nét đặc sắc trong phong tục tập quán của người Mường.
Trang phục của nam giới người Mường
Trang phục của nam giới người Mường cũng gần giống với trang phục truyền thống của người Kinh. Nam giới có hai loại áo: áo cánh và áo dài.
Áo cánh may xẻ ngực, cài khuy, hai vạt áo trước may hai chiếc túi khá to, trên ngực trái may một túi nhỏ có gân chéo ở gần miệng túi và làm bằng vải màu trang trí, tay áo dài buông tới mu bàn tay.
Áo dài có hai loại, loại sang may bằng lụa hoặc đoạn màu xanh, tím, vàng; loại thƣờng may bằng vải bong, màu đen sẫm. Áo dài đến ngang đầu gối, cài khuy lệch về bên sườn phải, hai bên xẻ tà cao ngang hông. Cổ áo đứng và cứng, thường được chú rể và hai phù rể mặc trong lễ cưới.
Quần nam có ống, đũng và cạp rộng, cắt kiểu chân què, khi mặc dùng sợi dây vải buộc chặt; thường là màu trắng hoặc màu nâu.
Trang phục của phụ nữ Mường
Trang phục của phụ nữ Mường rất độc đáo và gợi cảm, gồm váy và áo. Áo gồm có áo ngắn và áo dài, trong đó, áo ngắn dùng để mặc thường ngày. Loại áo này ngắn và bó sát than, xẻ ngực, thường không có khuy hoặc có một chiếc khuy bấm ở ngang ngực nên để lộ phần cạp váy trước ngực và chiếc yếm bó sát ngực.
Xem thêm : Tìm hiểu về phong tục tập quán của người Chăm ở Việt Nam
Chiếc yếm giống như phụ nữ Kinh nhưng ngắn hơn. Nẹp áo may to khoảng 3-4 cm với màu sắc sặc sỡ, đường viền cổ áo, cổ tay có thêu và đính chỉ màu. Áo dài thường mặc để tiếp khách, đi lễ hội, đám cưới, thường dài quá đầu 43 gối, phần nửa thân trên giống áo ngắn, phần nửa thân dưới từ eo xuống rộng dần, áo xẻ ngực, không xẻ tà.
Nét đặc trưng nhất trên chiếc váy của phụ nữ Mường là cạp váy. Cạp váy Mường có đường nét hoa văn rất tinh tế, mô phỏng nét hoa văn trên trống đồng Đông Sơn. Điều này góp phần nói lên nguồn gốc chung của hai dân tộc Việt Mường, tức là lịch sử có sự tồn tại của thời kỳ tiền Việt – Mường.
Váy được thắt bằng dải thắt lưng làm bằng vải lụa, thường nhiều màu nhưng màu xanh hoa thiên lý (làm tôn vẻ đẹp hài hòa của chiếc váy) thường được các thiếu nữ thích dùng hơn cả.
Cùng với váy, áo, phụ nữ Mường trang điểm bằng khăn đội đầu, vòng bạc, chuỗi hạt cườm, bộ xà tích (riêng bộ xà tích làm bằng bạc, gồm nhiều sợi dây dài ngắn có gắn đồng tiền, vuốt hổ được xâu thành chuỗi biểu hiện sự giàu sang của người phụ nữ có địa vị trong xã hội.
Truyền thống văn hóa ẩm thực của người Mường
Trong phong tục tập quán của người Mường Hòa Bình, ẩm thực cũng là chủ đề cực quan trọng. Người Mường xưa thường ăn cơm đồ, uống rượu cần và thường dùng cá đồ và lợn thui trong những ngày lễ. Tập quán này được đúc kết qua câu thành ngữ: “cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui”.
Cơm nếp được sử dụng thường xuyên trong bữa ăn hằng ngày của người Mường. Các giống lúa nếp của người Mường khá nổi tiếng như nếp quả Oàng, nếp Khe, nếp Cú Pộôt, nếp Bản, nếp Ôi, nếp Boóng, nếp Trlông, nếp Diệu Hương.
Cơm nếp được đồ chín trong chiếc hông gỗ bắc trên nồi đáy bằng nhôm hoặc bằng đồng.
Người Mường có tục uống rượu cần từ lâu đời. Cần làm bằng cây trúc hoặc mảnh tre thông nòng (rỗng ống) tươi được hơ qua lửa rồi đem uốn tùy theo độ cong lượn của vò rượu. Đặc biệt, dáng của những chiếc cần phụ thuộc vào tính cách của người chủ, nên hiếm khi có hai bộ cần giống hệt nhau.
Nếu có khách, chủ nhà trải chiếu vuông vắn giữa sàn rồi bưng vò rượu đặt chính giữa chiếu, sau đó mời tất cả những người có mặt trong nhà ngồi vòng quanh cùng chụm môi uống.
Vào dịp Tết cơm mới, người Mường làm các món đặc sản như đĩa quéch, ngách lưỡi, ốc cá. Tất cả các món này đều phải đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên trước khi ăn để bày tỏ lòng hiếu thảo và sự no đủ của con cháu.
Phong tục tập quán ma chay, cưới hỏi của người Mường
Hôn nhân truyền thống của người Mường cũng tương tự như người Kinh là theo chế độ một vợ một chồng, cũng gồm các bước chạm ngõ, ăn hỏi, xin cưới và đón dâu. Mặc dù theo chế độ phụ hệ nhưng cô dâu mới phải sắm sửa chăn gối cho gia đình mới và để tặng cho bố mẹ, họ hàng nhà chồng.
Chiếu trắng dùng cho đôi vợ chồng trẻ, chiếu đỏ dùng để biếu bố mẹ chồng, ngoài ra, cô dâu còn biếu bố mẹ chồng hai bộ chăn gối, hai gối tựa để khi bố mẹ già yếu thì tựa vào gối để nghỉ ngơi.
Vợ chồng mới chỉ được dùng chiếu trắng, một đôi chăn gối và chưa được dùng đệm. Cùng với các quà tặng trên, cô dâu phải chuẩn bị nhiều chiếc gối để tặng cho họ hàng nhà chồng.
Sau khi đón dâu xong, cô dâu về nhà bố mẹ đẻ ở lại ba hôm sau, khi hết ba ngày, nhà trai mới sang đón. Đón dâu lúc này phải đón vào lúc nhá nhem tối và phù dâu phải đi cùng. Sau khi về nhà chồng, phù dâu còn phải ở lại ba ngày ở nhà chồng cùng với cô dâu.
Tập quán ma chay của người Mường thường kéo dài đến 12 ngày đêm. Khi có người sắp chết, người nhà gióng 3 hồi chiêng, mỗi hồi 3 tiếng (chơm chiêng) để báo cho họ hàng biết trước mà nhìn mặt người sắp qua đời lần cuối cùng. Khi người đó chết hẳn thì chiêng trống gõ liên hồi.
Người chết được tắm rửa bằng nước lá bưởi và đặt nằm ở gian giữa, trên chiếu và 4 tấm vải trắng. Người ta đắp cho người chết bằng một chiếc chăn bông và hàng chục chiếc chăn đơn, trải hai tấm lụa tơ nằm ở hai bên.
Tiếp theo là làm lễ Tống Trùng, thầy mo dùng pháp thuật xua đuổi những ma xấu đang lẩn khuất bên người chết. Lễ nghi này không được đánh chiêng.
Người Mường còn làm lễ dẫn đường cho hồn về, chỉ cho hồn biết nơi thờ cúng và biết lối về. Con cháu ra nghĩa địa xây mộ, chôn vò đựng rượu ở đầu mộ. Đến đây tang lễ kết thúc.
Một số lễ hội mang đậm bản sắc của dân tộc Mường
Xem thêm : Tổng hợp phong tục tập quán của người Khmer đầy đủ nhất
Lễ hội của cộng đồng dân tộc Mường mang đậm các tín ngưỡng dân gian và là sự biểu hiện của sự giao lưu văn hóa. Hầu hết các lễ hội đều liên quan đến nông nghiệp và thường diễn ra vào mùa xuân.
Hội hát sắc bùa ở Mường Vang
Hát sắc bùa ngày xuân là một trong những hoạt động văn hóa tinh thần quan trọng nhất của cộng đồng dân tộc Mường mỗi khi Tết đến – xuân về. Hát sắc bùa được chia làm ba vòng:
Vòng 1: Chủ trò có lời chúc mừng năm mới đối với gia chủ bằng những lời hát cùng với bản nhạc cồng chiêng của cả phường bùa. Lời hát làm vui lòng gia chủ, cả phường bùa được mời vào thăm nhà.
Vòng 2: Điệu cồng, chiêng lại vang lên cùng với những câu chuyện dẫn dắt của chủ trò về những việc vui, thành đạt của gia chủ trong một năm qua.
Vòng 3: Gia chủ lại vui vẻ mời cả phường bùa ăn, uống. Ăn uống no say xong cùng phường bùa tấu lên những lời khen cơm ngon, rượu ngọt, hát lời tạm biệt và hẹn gặp lại năm tới.
Cứ như thế, cả phường bùa sẽ đi hết từ nhà này đến nhà khác trong những ngày đầu năm mới, cầu chúc gia chủ an khang, thịnh vượng.
Múa Pồn Poong
Ngoài hát sắc bùa, trong những ngày lễ hội mùa xuân, đồng bào dân tộc Mường còn biểu diễn tiết mục múa pồn poong. “Múa pồn poong là nghi thức tín ngưỡng cúng tổ tiên của đồng bào Mường”.
Hiện vật không thể thiếu trong điệu múa này đó là một cây hoa được lấy từ cây bông trăng trên rừng, thể hiện sự thuần khiết. Trên thân cây là những bông hoa được làm từ thân cây bông trăng và muôn loài muông thú. Trên đỉnh cây hoa gắn một con chim chiền chiện biểu hiện sự tôn nghiêm.
Chủ lễ là ông Mo, bà Máy – là những người cha tinh thần của đồng bào. Sau phần lễ ca ngợi sự che chở của thần linh tối cao, cầu mong sự an lành và phát triển, mùa màng bội thu… đến phần hội là xoay cây hoa và mọi người đều múa hát.
Hiện nay, truyền thuyết này vẫn được lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Vì vậy, người Mường mỗi khi đi rừng gặp chim chiền chiện thì không bao giờ bắn”.
Lễ Mụ Thố
Đây là một lễ nghi chỉ được tổ chức cho người già lúc ốm đau bệnh tật. Gia đình sợ vía của người già đi xa mất, mọi người tổ chức làm vía cho người già để cầu mong sức khoẻ.
Trước khi tổ chức lễ vía mụ Thố, mỗi một gia đình người Mường thường nhờ ông thầy Mo chọn ngày lành tháng tốt để làm vía. Ngày lành tháng tốt đến người con dâu cả trong gia đình đội nón chống gậy cầm ớp khọ đi xin gạo, xin vải của hàng xóm.
Số gia đình người con dâu vào xin gạo tương ứng với thứ tự ngày hôm đó. Nếu là ngày mùng 3 cô đi xin gạo vào 3 nhà, ngày mùng 5 sẽ vào 5 nhà. Lúc này, người con dâu không khác gì ăn xin.
Cùng lúc đó, người con trai trưởng trong gia đình là chồng cô đi vào rừng tìm cây si mọc ở nơi cao ráo đem về.
Trong nghi lễ này không thể thiếu cành si bởi trong đời sống tâm linh của đồng bào Mường hình tượng cây si được tôn vinh như một vị thần có sức sống kỳ diệu. Theo quan niệm của đồng bào, cây si truyền sức sống mạnh mẽ kỳ diệu cho những người cao tuổi để họ luôn có sức khoẻ không gặp ốm đau bệnh tật sống lâu trăm tuổi.
Cỗ cúng trong ngày lễ mụ Thố thường được sắp đặt 5 mâm. Trên các mâm cúng đều có xôi, rượu, vải, tiền đặt lễ, đồ chay. Thế nhưng trong 5 mâm thờ đó, mỗi mâm thờ vị thần khác nhau.
Ngày nay, nghi lễ này vẫn được tổ chức ở khắp các bản mường khi gia đình nào có người già yếu.
Tạm kết
Những phong tục tập quán của dân tộc Mường đã được lưu truyền từ nhiều thế hệ này sang thế hệ khác, góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam. Từ đó giúp các thế hệ trẻ giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa này trong thời đại mới.
Nguồn: https://phongtuctapquan.org
Danh mục: Phong tục tập quán dân tộc