Tìm hiểu phong tục tập quán của dân tộc Thái có gì độc đáo?

Tìm hiểu phong tục tập quán của dân tộc Thái có gì độc đáo?

Phong tục tập quán của dân tộc Thái được rất nhiều người quan tâm bởi mang nhiều nét đặc trưng, phản ánh lối sống, tinh thần cộng đồng của người dân tộc miền núi. Dân tộc Thái cũng góp phần làm phong phú thêm trong bức tranh đa dạng văn hóa của Việt Nam.

Lịch sử và nguồn gốc của người dân tộc Thái

Dân tộc Thái là một trong những cộng đồng sắc tộc lâu đời và đặc sắc nhất tại Việt Nam, có lịch sử hình thành và phát triển rất phong phú. Người Thái thuộc nhóm ngôn ngữ Tày – Thái, có liên hệ gần gũi với các nhóm dân tộc Thái ở Lào, Trung Quốc và Thái Lan.

Trong quá trình di cư, người Thái đã định cư tại các khu vực miền núi phía Bắc và Tây Bắc của Việt Nam từ nhiều thế kỷ trước. Họ đã phát triển một nền văn hóa đa dạng, phong phú, được thể hiện qua ngôn ngữ, phong tục, tập quán và các lễ hội truyền thống.

Lịch sử và nguồn gốc của người dân tộc Thái
Lịch sử và nguồn gốc của người dân tộc Thái

Về phân bố địa lý, dân tộc Thái chủ yếu sinh sống ở các tỉnh phía Bắc và Tây Bắc Việt Nam như Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái và Thanh Hóa. Đặc biệt, họ tập trung nhiều ở các vùng thung lũng và ven sông, nơi đất đai màu mỡ phù hợp với việc trồng trọt và chăn nuôi.

Người Thái tại Việt Nam chia thành hai nhóm chính là Thái Đen và Thái Trắng, dựa trên những đặc điểm của trang phục truyền thống hay một số phong tục khác nhau.

Thái Đen, vốn được gọi là vậy do màu sắc của trang phục họ thường mặc, sinh sống nhiều ở các tỉnh như Lai Châu và Điện Biên. Họ nổi tiếng với các lễ hội đặc sắc và các điệu múa truyền thống.

Tộc Thái Đen có màu sắc trang phục truyền thống tối hơn. Họ sinh sống ở các tỉnh như Lai Châu và Điện Biên. Người Thái Đen nổi tiếng với các lễ hội đặc sắc và các điệu múa truyền thống.

Người Thái Trắng thường mặc trang phục có màu sáng hơn, phần lớn sinh sống ở Sơn La và Thanh Hóa. Họ cũng có những phong tục và lễ hội riêng biệt không kém phần đặc sắc.

Văn hóa ở nhà sàn của người Thái

Người Thái thường ở trong những ngôi nhà sàn từ 3 đến 5 gian tùy điều kiện từng nhà. Nhà sàn được trang trí nhiều hoa văn hoạ tiết tinh xảo (Khau cút) là hai tấm ván đóng chéo nhau hình chữ X trên nóc đó là cặp sừng trâu cách điệu, biểu tượng của một nền văn minh lúa nước.

Sàn nhà được xây cao giúp bảo vệ gia đình khỏi thú dữ và nước lũ. Đồng thời phía dưới sàn cũng có thể được sử dụng để chăn nuôi hoặc làm kho chứa thực phẩm.

Các gian giữa được dùng làm phòng ngủ, cách nhau bởi các tấm rido căng dây lên các cột nhà. Nhà người Thái bao giờ cũng có hai cầu thang (Tang chan) và (Tang quản).

Văn hóa ở nhà sàn của người Thái
Văn hóa ở nhà sàn của người Thái

Tang chan ở cuối nhà, bên trái dành cho phụ nữ lên xuống. (Chan) là phần sàn nhà được nối dài ra ngoài trời. Đây là nơi các mẹ, các chị, các em… thường ngồi chơi lúc nhàn rỗi, thêu thùa. Cầu thang này bao giờ cũng mang số lẻ, thường là 9 bậc, ứng với 9 vía.

Cầu thang dành riêng cho nam giới (tang quản) ở đầu nhà, thường có 7 bậc ứng với 7 vía. Nhà sàn của người Thái thường có hai bếp lửa (Chi phay). Bếp lửa phía dành cho người già, bếp chính ở phía dành cho nữ giới và những công việc nội trợ.

Từ bếp dành cho người già đến hết cầu thang dành cho nam giới gọi là (quản). Đây là nơi dành riêng cho đàn ông, phụ nữ không được đến khu vực này, trừ một số trường hợp đặc biệt.

Ngoài ra trong nhà sàn bắt buộc phải có một gian để thờ cúng. Tại đây có gian thờ tổ tiên và cột thiêng. Trên cột thiêng treo hình thần rùa (mai con rùa thật hoặc bằng gỗ), ba bông lúa (sam huống khẩu) và ba nhánh rau thì là (sam hóm chi).

Người Thái thờ cúng tổ tiên, thờ cúng thần nông nghiệp, thần sông núi. Pat -tông là một trong những nghi lễ thờ cúng để tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên. Theo lịch của người Thái cứ 10 ngày họ lại làm cơm cúng một lần bữa trưa và bữa tối tại gian thờ tổ tiên theo ngày cố định tùy dòng họ.

Trang phục truyền thống của người Thái

Về cơ bản phong tục tập quán của dân tộc Thái trắngphong tục tập quán của dân tộc Thái đen khá giống nhau, chỉ khác nhau về trang phục.

Người Thái Đen mặc trang phục có màu sắc tối, thường là màu đen hoặc xanh đậm. Nam giới thường mặc quần dài và áo có cổ truyền thống, thắt lưng rộng. Nữ giới mặc váy dài (xòe), áo dài tay và thường xuyên sử dụng các loại phụ kiện như khăn xếp, trang sức làm từ bạc, hoa tai vàng.

Trang phục truyền thống của người Thái
Trang phục truyền thống của người Thái

Trái ngược với Thái Đen, trang phục của người Thái Trắng thường có màu sáng hơn như trắng hoặc xanh. Các bộ trang phục này cũng rất cầu kỳ và được trang trí bằng các hoa văn dân gian, đặc biệt là trên áo và phần thắt lưng.

Phụ nữ Thái Trắng thường mặc các chiếc váy đen dài đến mắt cá chân và áo dài tay, cùng với các phụ kiện truyền thống như khăn Piêu và trang sức bằng bạc.

Tục tằng cẩu của người Thái

Tục tằng cẩu của người Thái Đen là một phong tục tập quán người Thái độc đáo và ý nghĩa sâu sắc trong văn hóa của dân tộc Thái, đặc biệt liên quan đến phụ nữ đã kết hôn.

Theo phong tục tằng cẩu, khi một phụ nữ Thái Đen kết hôn, cô ấy sẽ búi tóc lên đỉnh đầu. Kiểu tóc này giúp phân biệt phụ nữ đã có chồng với những người chưa kết hôn. Đồng thời đây cũng là biểu tượng của sự chung thủy và sự tôn trọng dành cho gia đình chồng.

Tục tằng cẩu của người Thái
Tục tằng cẩu của người Thái

Việc búi tóc lên đỉnh đầu trong dịp lễ kết hôn được xem là một nghi thức quan trọng, thể hiện sự chuyển giao từ cuộc sống độc thân sang cuộc sống gia đình. Khi các cô gái lấy chồng sẽ được tổ chức lễ tằng cẩu rất trang trọng.

Theo truyền thống, phụ nữ Thái sẽ chỉ bỏ tằng cẩu nếu người chồng qua đời. Điều này thể hiện sự thay đổi trong tình trạng hôn nhân và cuộc sống của người phụ nữ, đồng thời tôn trọng ký ức và thời gian đã chia sẻ với người chồng quá cố.

Văn hóa truyền thống ở rể của người Thái khi cưới xin

Trong văn hóa truyền thống của người Thái, hôn nhân không chỉ là sự kết hợp giữa hai người mà còn biểu thị cho sự gắn kết giữa hai gia đình. Hôn nhân người Thái thường theo chế độ ở rể, điều này có nghĩa là chàng rể sẽ chuyển đến sống cùng gia đình vợ sau khi kết hôn, qua hai bước cơ bản sau:

Cưới lên (đong khửn): Đây là giai đoạn đầu tiên của hôn nhân, trong đó chàng rể chuyển đến nhà vợ và bắt đầu quá trình thử thách lao động và phẩm giá. Giai đoạn này giúp gia đình vợ kiểm tra và đánh giá con người cũng như sự thích nghi của chàng rể với cuộc sống và công việc mới.

Văn hóa truyền thống ở rể của người Thái khi cưới xin
Văn hóa truyền thống ở rể của người Thái khi cưới xin

Cưới xuống (đong lông): Sau khi đã hoàn thành giai đoạn ở rể, nếu chàng rể chứng tỏ được khả năng và sự thích hợp, hôn nhân sẽ chuyển sang giai đoạn cưới xuống. Trong giai đoạn này, cả hai gia đình sẽ tổ chức lễ đưa đón dâu rể về nhà chồng, đánh dấu sự chính thức của cuộc hôn nhân.

Trong thời đại hiện đại, phong tục tập quán dân tộc Thái về ở rể đã giảm bớt đáng kể nhưng vẫn được duy trì ở một số vùng với hình thức linh hoạt hơn.

Văn hóa truyền thống khi làm ma chay ở người Thái

Ma chay của người Thái bao gồm nhiều nghi lễ phức tạp và cầu kỳ, khác biệt so với các dân tộc khác tại Việt Nam, thường kéo dài nhiều ngày và được chia thành các bước cụ thể:

  • Lễ tắm xác: Người đã khuất sẽ được tắm rửa sạch sẽ, thể hiện sự tôn trọng và chuẩn bị cho hành trình cuối cùng của họ.
  • Lễ liệm: Sau khi tắm xác, người mất sẽ được liệm trong quan tài. Quan tài được làm bằng thân cây gỗ đục thành, thể hiện sự gắn bó mật thiết với thiên nhiên.
  • Lễ nhập quan: Đây là bước đưa người đã khuất vào quan tài, quan tài sau đó được phủ bằng giấy màu và đặt trong khung mái thổ cẩm hình mái nhà, biểu thị sự che chở và bảo vệ.
  • Lễ tạ ơn công cha mẹ: Trong lễ này, con cái và người thân sẽ bày tỏ lòng biết ơn đối với người đã khuất về những gì họ đã làm cho gia đình.
  • Lễ chính: Là phần quan trọng nhất của ma chay, bao gồm các nghi thức tôn giáo và cầu nguyện cho linh hồn người mất.
  • Lễ đưa tang: Đây là bước cuối cùng, quan tài được đặt trên đòn khiêng dài 5m, được cạo sạch vỏ và cuốn thêm lượt vải, sau đó được khiêng ra mồ để chôn cất.
Văn hóa truyền thống khi làm ma chay ở người Thái
Văn hóa truyền thống khi làm ma chay ở người Thái

Khi một thành viên trong gia đình qua đời, nếu là cha mẹ của người con gái đã lập gia đình, con gái sẽ phải đóng góp một con lợn (sớ pửa) cho lễ tang. Việc này nhằm mục đích để cúng bái cho cha mẹ và có ý nghĩa hỗ trợ làm bữa cơm trong việc chôn cất.

Đối với họ hàng và dân bản gần xa, tùy theo mối quan hệ tình cảm mà họ có thể giúp đỡ bằng tiền, rượu, gạo, gà, vịt… Mỗi sự đóng góp này sẽ thể hiện tình cảm và biểu thị sự đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau trong bản làng.

Văn hóa ẩm thực đặc trưng của người Thái

Ẩm thực của người Thái được biết đến với sự đa dạng, phong phú và hương vị đặc trưng. Người Thái sử dụng các nguyên liệu từ núi rừng để làm thành các gia vị như mắc khén, chẩm chéo, hạt dổi rừng…

Văn hóa ẩm thực đặc trưng của người Thái
Văn hóa ẩm thực đặc trưng của người Thái

Đặc biệt không thể bỏ qua cách ngâm măng chua cực nổi tiếng của người Thái. Măng chua là món ăn đặc trưng của người dân ở nơi đây. Nếu có dịp đến nhà của người Thái, khách du lịch sẽ thường xuyên bắt gặp những hũ măng ngâm trong nhà sàn.

Một số món ăn nổi tiếng của người Thái như cá nướng, thịt trâu gác bếp, lam vịt, xôi ngũ sắc, cơm lam, thịt lợn hấp, nậm pịa, thắng cố, nộm hoa ban, nhộng sắn, rêu đá nướng…

Nghệ thuật dệt thổ cẩm ở người Thái

Từ bao đời nay, thổ cẩm đã trở thành nét văn hóa truyền thống không thể thiếu trong đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân tộc Thái. Những sản phẩm dệt thổ cẩm là vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Nó gắn bó với mỗi người dân từ lúc sinh ra, lúc lập gia đình đến những lúc cuối đời.

Phụ nữ Thái rất khéo tay trong việc dệt thổ cẩm. Hầu như nhà nào cũng có một khung cửi để người bà, người mẹ dệt vải thổ cẩm. Người Thái thường nhuộm màu vải bằng các loại cây rừng đặc trưng.

Nghệ thuật dệt thổ cẩm ở người Thái
Nghệ thuật dệt thổ cẩm ở người Thái

Phong tục xưa của người Thái yêu cầu người con gái khi về nhà chồng phải tự tay dệt cho bố mẹ chồng một bộ quần áo mới. Nhằm thể hiện tấm lòng thành của nàng dâu mới. Không những thế họ cũng phải dệt những bộ chăn ga, gối đệm cho phòng tân hôn của chính họ.

Nghệ thuật dệt thổ cẩm trong phong tục tập quán của người Thái có ý nghĩa rằng từ đây đôi bàn tay của cô gái sẽ chăm lo, vun vén chu đáo cho gia đình, mong muốn gia đình hạnh phúc, đầm ấm hơn.

Phong tục tập quán của dân tộc Thái về các lễ hội truyền thống

Cũng giống như các dân tộc khác, người Thái cũng có nhiều lễ hội truyền thống đặc trưng như:

Lễ hội Lùng Tùng

Lễ hội Lùng Tùng là một trong những lễ hội văn hóa truyền thống quan trọng của dân tộc Thái ở huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Đây là lễ hội được tổ chức hàng năm từ ngày mùng 6 đến mùng 10 tháng Giêng, với mục đích khởi đầu cho một năm nông nghiệp mưa thuận gió hòa và thịnh vượng.

Sau một thời gian dài không được tổ chức, lễ hội đã được phục dựng vào năm 2018, nhằm góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Lễ hội Lùng Tùng
Lễ hội Lùng Tùng

Trong phần lễ của Lùng Tùng, người dân cùng nhau thực hiện nghi thức cày bừa và gieo hạt tại cánh đồng cộng đồng, thể hiện sự hi vọng về một mùa màng bội thu và cuộc sống no ấm.

Còn phần hội là dịp để mọi người, từ bà con trong bản đến khách thập phương, tham gia vào các trò chơi dân gian như tó má lẹ, bắn nỏ, kéo co và tung còn. Đồng thời, phần hội cũng bao gồm các tiết mục văn nghệ như hát dân ca, múa xòe và nhảy sạp, mang lại không khí vui tươi, phấn khởi cho cả cộng đồng.

Lễ hội Then Kin Pang

Lễ hội Then Kin Pang là lễ hội thường niên diễn ra vào mùng 10/3 âm lịch ở xã Khổng Lào, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, thu hút đông đảo người Thái Trắng đến tham dự.

Lễ hội này được tổ chức để tưởng nhớ và tôn vinh Then – vị thần trong truyền thuyết dân gian có lòng bao dung, yêu thương con người và thiên nhiên.

Lễ hội Then Kin Pang
Lễ hội Then Kin Pang

Trong lễ hội, các Lụ liệng-Lụ hương (người được Then chữa bệnh và cầu hồn) dâng lễ tạ ơn Then với bàn thờ được trang trí rực rỡ và đầy màu sắc. Lễ vật gồm có lợn luộc nguyên, gà trống luộc, xôi nếp cẩm và các loại trái cây. Hoa bó mạ là biểu tượng của lễ hội, được coi là lễ vật không thể thiếu.

Ngoài ra, phần hội còn có các hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian và cơ hội cho trai gái trẻ gặp gỡ và tỏ tình.

Lễ hội Nàng Han

Lễ hội Nàng Han được tổ chức hằng năm vào ngày 15 tháng 2 âm lịch tại bản Tây An, xã Mường So, huyện Phong Thổ. Lễ hội này nhằm tôn vinh Nàng Han, một nữ anh hùng dân tộc Thái đã có công lớn trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm.

Lễ hội Nàng Han
Lễ hội Nàng Han

Lễ hội gồm các nghi thức tế lễ do các thầy mo thực hiện và màn biểu diễn văn nghệ sôi nổi với các điệu múa truyền thống. Vật phẩm cúng dâng lên bao gồm hoa quả, gà xôi và giấy bạc.

Phần hội là dịp để mọi người trong bản và du khách tham gia các trò chơi dân gian và thưởng thức các món ăn đặc sắc của người Thái như xôi ba màu và cá nướng.

Tạm kết

Khám phá phong tục tập quán của dân tộc Thái sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về một cộng đồng người dân tộc thiểu số với nhiều nét đặc trưng. Đây cũng là cách để tôn trọng và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc đặc sắc này.

phongtuctapquan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *