Tổng hợp 7 phong tục tập quán ngày Tết quan trọng nhất
Phong tục tập quán ngày Tết tại Việt Nam được rất nhiều người tìm hiểu bởi đây là một trong những ngày lễ quan trọng nhất của người Việt. Tết Nguyên Đán vốn mang nhiều ý nghĩa, được lưu truyền từ bao đời nay.
Đôi nét về Tết Nguyên Đán, Tết cổ truyền của dân tộc
Tết Nguyên Đán hay còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền, năm mới hay chỉ đơn giản Tết là dịp lễ quan trọng nhất trong văn hóa của người Việt Nam. Nguyên nghĩa của Tết thực chất chính là “tiết”.
Bạn đang xem: Tổng hợp 7 phong tục tập quán ngày Tết quan trọng nhất
Văn hóa Đông Á – thuộc văn minh nông nghiệp lúa nước – do nhu cầu canh tác nông nghiệp đã “phân chia” thời gian trong một năm thành 24 tiết khác nhau.
Trong đó tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng, tức là Tiết Nguyên Đán sau này được biết đến là Tết Nguyên Đán.
Phong tục tập quán ngày Tết của người Việt
Phong tục mỗi miền có thể khác nhau nhưng riêng phong tục ngày Tết thì không khác nhau nhiều. Các phong tục tập quán ngày Tết của người Việt như:
Cúng ông Công, ông Táo
Ngày 23 tháng 12 âm lịch nhiều nhà mua cá vàng, làm cơm cúng tạ ơn và tiễn đưa ông Táo về trời. Ông Táo theo truyền thống được ví như là một ông thần ở trong bếp nhà suốt năm.
Ông nhìn thấy tất cả mọi việc của mọi người trong gia đình và mỗi năm tới ngày này ông bay về trời để tâu trình với Thượng Đế về nết ăn nết ở của gia đình này.
Sau khi tiễn ông Táo về trời, là lúc mọi nơi làm tiệc tất niên mừng năm cũ đã qua. Phố phường đã nhộn nhịp với tiếng kèn tiếng trống ca hát mừng xuân. Người đi kẻ chạy, nhộn nhịp mua bán sắm sửa để dành ăn tết vì ba ngày tết tất cả hàng quán chợ búa đều đóng cửa.
Gói bánh chưng
Từ ngày 25 trở đi nhiều nhà đã bắt đầu gói bánh chưng để cúng tết, đem biếu và để dành ăn mấy ngày đầu năm. Bánh chưng ở ngoài Bắc gói hình vuông thường vào khoảng 17cm mỗi cạnh và dày 6cm, ở trong Nam gói bánh hình ống.
Bánh gói bằng lá dong hoặc lá chuối, ở bên trong có lớp gạo nếp bọc lớp đậu xanh nghiền nhuyễn và lớp nhân thịt heo đã ướp hành mắm muối tiêu thơm phức.
Xem thêm : Những câu chuyện về nguồn gốc hoặc phong tục tập quán của các dân tộc Việt Nam
Bánh chưng thường được ăn chung với dưa hành muối. Vì thế mỗi khi tết đến nhà ai cũng có một lọ dưa hành muối sẵn, ngày nay thì có thể đi mua ngoài chợ.
Chuẩn bị mâm ngũ quả
Tết còn không thể thiếu mâm ngũ quả bày trên bàn thờ. Gọi là mâm ngũ quả nhưng thực chất không có ai quy định phải là các loại quả gì. Mỗi loại quả có màu sắc, hương vị và hình dạng đặc trưng đều có một ý nghĩa nhất định.
Mâm ngũ quả dâng cúng tổ tiên thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu và mong muốn những điều tốt lành trong gia đình.
Người ta thường dùng các loại quả trong mâm ngũ quả ngày Tết như:
- Chuối: hình nải như bàn tay ngửa thể hiện sự che chở, bao bọc
- Phật thủ: giống như bàn tay Phật che chở cho mọi người
- Hồng, Quýt: màu sắc sặc sỡ biểu hiện cho sự thành đạt
- Bưởi, Dưa hấu: căng tròn thể hiện sự mát lành, tươi tốt
- Thanh long: rồng mây gặp hội)….
Chơi hoa ngày Tết
Nhắc đến phong tục tập quán Tết Nguyên Đán không thể bỏ qua việc chơi hoa. Hoa đào là loài hoa tượng trưng cho ngày Tết ở miền Bắc. Ngược lại ở miền Nam thường chơi hoa Mai. Ngoài ra người Việt còn mua các loại hoa để trang trí nhà cửa như hoa cúc, trúc phát tài, hoa ly, hoa thủy tiên…
Hoa cỏ, cây cối thường tượng trưng cho sự sung túc, phát triển, tươi mới. Ngụ ý dùng cho ngày Tết với mong muốn phát tài, phát lộc, năm mới tốt đẹp hơn.
Cúng giao thừa
Giao thừa là giây phút thiêng liêng nhất đối với người Việt vào đúng 12 giờ đêm của ngày cuối cùng trong năm. Khi màn đêm buông xuống, mọi con mắt đều hướng nhìn về phía đồng hồ để chờ đợi giao thừa.
Đây là giây phút mà năm cũ đã qua, năm mới sắp tới. Nhiều người còn gọi là thời điểm sang canh.
Trước thời điểm giao thoa giữa năm mới và năm cũ, mỗi nhà sẽ làm một mâm cơm cúng tổ tiên ở trong nhà, một mâm cỗ cúng trời đất ở ngoài sân. Mâm cỗ cúng giao thừa thường bao gồm thịt gà luộc, xôi, giò, chả, bánh chưng… Cỗ ngọt bao gồm: hương, hoa, đèn, nến, bánh kẹo, mứt Tết, rượu,…
Phút giao thừa, gia chủ mặc quần áo tề chỉnh, thắp hương, hai tay chắp trước ngực khấn lễ mời hương linh ông bà, tổ tiên về ăn tết với gia đình và phù hộ cho gia đình con cháu gặp mọi điều tốt đẹp, may mắn trong năm mới.
Xem thêm : Các ví dụ về phong tục, tập quán lạc hậu tại Việt Nam cần xóa bỏ
Tiếng pháo giao thừa nổ ran mọi nơi, trẻ con reo hò, tiếng nhạc mừng xuân vang lừng báo hiệu phút giây thiêng liêng đã đến với tất cả mọi người.
Nhiều gia đình có tục lệ đi chùa lễ Phật đêm giao thừa. Theo truyền thống họ thường hái lộc, mang về nhà những nhánh cây có lá non nụ mới, như một cách để xin Đức Phật sự tươi mát cùng phước lành mang về nhà.
Tục lệ xông đất
Ngay sau thời điểm giao thừa, người đầu tiên bước vào nhà cùng với lời chúc mừng năm mới thì đó được coi là người xông đất.
Theo quan niệm của người Việt, người xông đất rất quan trọng đối với cả gia đình nên họ thường chọn người hợp tuổi với gia chủ, tính tình tốt, hiền lành, vui vẻ để mang lại may mắn cho cả gia đình.
Phong tục chúc Tết và mừng tuổi đầu năm
Phong tục chúc Tết đầu năm của người Việt còn được thể hiện qua câu nói:”Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy”.
Mùng 1 là ngày đầu tiên của năm mới, mọi người sẽ hướng về gia đình, anh em ruột thịt. Con cháu đến chúc Tết ông bà, bố mẹ sức khỏe, sống thọ, gặp nhiều may mắn, làm ăn phát đạt, an khang thịnh vượng. Sau đó tiếp tục đi chúc Tết anh chị em họ hàng, cô chú bác nhà nội, nhà ngoại.
Ngoài ra người Việt vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo nên việc Tết thầy cô là không thể bỏ qua. Trẻ em có thể tự đi hoặc nhờ bố mẹ chở đến nhà thầy cô và chúc Tết.
Trẻ em sẽ nhận được những phong bao lì xì đỏ với ý nghĩa may mắn, chúc tuổi mới hay ăn chóng lớn, học hành giỏi giang, may mắn trong năm mới.
Vào những ngày này, mọi người gặp nhau thường cười vui vẻ, chúc nhau những điều tốt lành và đặc biệt kiêng kỵ không cau có, khó chịu hay cãi nhau.
Tạm kết
Phong tục tập quán ngày Tết tại Việt Nam không đơn thuần chỉ là những ngày lễ Tết mà nó còn thể hiện tinh thần, văn hóa và tình cảm của người Việt đối với tổ tiên, dân tộc.
Nguồn: https://phongtuctapquan.org
Danh mục: Tin tức